Lo khó hòa hợp cuộc sống với người yêu thầm mình 24 năm

Lo khó hòa hợp cuộc sống với người yêu thầm mình 24 năm
Anh thì như cái cây thiếu nước nếu sống ở Mỹ, còn tôi về Việt Nam cũng không thể vui vẻ trọn vẹn vì còn công việc, con trai và ba mẹ bên này.
Tôi 42 tuổi, là Việt kiều, sống ở Mỹ 24 năm, có sự nghiệp và cuộc sống ổn định. Tôi ly hôn chồng cũ sau 8 năm chung sống. Chúng tôi có một con trai năm nay 12 tuổi, hai vợ chồng thay nhau chăm bé để bé không cảm thấy thiếu thốn tinh cảm gia đình. Chồng cũ lập gia đình ngay sau đó, còn tôi vài năm sau cũng tìm hiểu một vài anh bạn nhưng không cảm thấy thích hợp để tiến đến hôn nhân. Niềm vui của tôi là chăm sóc con trai, phụng duỡng ba mẹ, du lịch khắp nơi, hay đi làm thiện nguyện. Tôi hài lòng với cuộc sống của mình cho đến năm 2012 thì gặp lại người bạn cấp ba của anh kế tôi.

Tôi biết anh từ khi anh học lớp 10 còn tôi học lớp 6. Anh hay mang ô mai, bánh kẹo cho tôi, vẽ nhiều tranh cho tôi vì anh vẽ rất đẹp. Lúc đó và nhiều năm sau này, tôi vẫn xem anh như một người anh lớn. Năm 1991, gia đình tôi sang Mỹ. Anh tôi tổ chức một buổi tiệc chia tay bạn bè. Anh tới dự, ngồi im lặng một góc và lặng lẽ nhìn tôi. Một người bạn khác của anh cho tôi biết anh đã thương tôi nhiều năm rồi. Tôi lúc đó mới 18 tuổi, chỉ biết học hành, chơi bời vô tư với bạn bè chứ chưa biết tình yêu nam nữ là gì. Tôi đến ngồi đối diện với anh, tròn xoe mắt nhìn anh. Anh có lẽ biết bí mật lâu nay của mình đã lộ nên mở lời với tôi: “Ngày kia bé đi rồi, chưa biết có gặp lại được nhau hay không. Có thể cho anh nắm tay bé không?”, giọng anh buồn lắm. Tôi không biết nói gì nên để anh cầm tay cho đến tàn buổi tiệc. Anh tặng tôi một bức tranh sơn dầu vẽ chân dung tôi. Ngày ra sân bay tiễn gia đình tôi, anh chỉ nói một câu “cám ơn bé đã xuất hiện trong đời anh”.

Tôi và gia đình đến Mỹ. Tôi không quên nhưng cũng không nhớ anh một cách đặc biệt. Qua anh trai, tôi biết rằng anh ra trường, đi làm, lo lắng chu toàn cho ba má anh, rồi nuôi mấy người em ăn học thành tài. Nghe nói anh là họa sĩ, vẽ tranh bán được lắm. Bạn bè anh đều khen anh sống hết lòng với bạn bè, khi anh khá giả, ai cần giúp tài chính, anh đều trợ giúp. Tôi về Việt Nam vài lần từ năm 2008 nhưng chưa hề có ý nghĩ gặp lại anh vì anh là bạn của anh tôi chứ không phải là bạn của tôi.

Năm 2012, tôi lang thang với cô bạn, tìm mua vài bức tranh để treo tuờng. Chúng tôi vào một phòng tranh trong hẻm nhỏ, ai ngờ là phòng tranh của anh. Tôi vô cùng ngỡ ngàng khi thấy những bức tranh vẽ mình thời thiếu nữ. Gặp tôi, anh nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy đàn ông khóc.

Tôi không ngờ tình cảm của anh sâu nặng đến thế. Anh mời tôi về chơi nhà anh, kể chuyện gia đình và những ngày đã qua của anh. Anh bảo từ lúc gặp tôi lần đầu, anh giống như bị sét đánh. Lúc đó, anh chỉ là chàng trai lớp 10, chưa hiểu đời gì nhiều, nhưng không biết tại sao lại có ý thích một cô bé lon ton lớp 6, muốn nâng niu, bao bọc, cưng chiều. Anh vẫn luôn theo dõi tin tức về tôi, về chuyện học hành, sinh sống, về cuộc hôn nhân trắc trở đã qua, về những chuyến đi của tôi. Anh lưu giữ nhiều hình ảnh của tôi mà anh tôi chụp gửi cho bạn bè. Anh đã viết nhiều bài thơ tặng tôi từ lúc tôi 13 tuổi cho đến sau này. Những năm vừa qua, anh đi du lịch bụi khắp nơi, lang thang đến những nơi tôi từng đi qua. Tôi cảm động vì tình cảm của anh. Thật sự là tôi không tin được làm sao một người có thể yêu thương âm thầm một người khác trong thời gian dài như thế. Anh hỏi tôi có cho anh cơ hội cùng bước chung một đường hay không.

Tôi bảo anh rằng hình ảnh anh ôm ấp trong lòng bao nhiêu năm nay là hình ảnh của một cô bé lí lắc nhí nhảnh… Bây giờ tôi đã là một single mom, cuộc sống trải qua nhiều trắc trở, không thể nào vẫn là hình ảnh ngây thơ của hai mươi mấy năm truớc. Anh bảo bản chất của tôi là người hiền lành, dịu dàng. Khó khăn chỉ làm tôi mạnh mẽ hơn chứ bản chất vẫn không thay đổi.

Lúc đó, thật lòng, tôi không yêu anh. Tôi trân trọng tình cảm anh dành cho tôi, nhưng đó không phải là tình yêu. Anh nói tôi cứ suy nghĩ thêm, anh vẫn ở đây chờ câu trả lời của tôi. Tôi trở về Mỹ, anh và tôi liên lạc email, điện thoại. Anh không hề thúc hối hay ép buộc tôi trả lời. Tôi chọc anh rằng anh đúng là đại gia, xài thời gian sang quá, để mấy chục năm nhớ thương một người. Anh chỉ cuời nhẹ: “Đó là hạnh phúc của anh mà bé”.

Năm 2013, anh và tôi đi du lịch. Tôi nghĩ những chuyến đi dài cùng nhau sẽ làm con người bộc lộ nhiều tính cách mà ta có thể tìm hiểu. Anh thật sự là một bạn đồng hành tuyệt vời. Anh chăm sóc tôi như chưa hề có khoảng cách 25 năm. Tôi hỏi con trai là mẹ đang muốn tìm hiểu một chú là bạn lúc xưa của mẹ tại Việt Nam, nhóc trả lời, mẹ có thể làm bất cứ thứ gì khiến mẹ hạnh phúc. Nhóc đề nghị mẹ mời chú qua Mỹ, ở nhà mình, còn bé sẽ qua nhà ba sống. Tôi bảo: “Con cứ ở nhà với mẹ, chúng ta vẫn sống bình thuờng để chú tìm hiểu rõ cuộc sống của chúng ta”. Nhóc con đồng ý liền. Tôi mời anh qua Mỹ ở chơi, làm quen với con trai tôi. Đó là khoảng thời gian thật hạnh phúc, tôi được ở bên hai người đàn ông quan trọng nhất của đời mình.

Khoảng 2 tháng sau, tôi thấy ánh mắt anh xa xăm. Anh nói rằng anh không có cảm hứng để vẽ. Anh nói anh cần uống nuớc Việt, cần ăn thức ăn Việt, cần hít thở không khí Việt, cần nghe âm thanh xung quanh là tiếng Việt. Thiếu những thứ đó với anh giống như thiếu oxy. Tôi hiểu cảm giác của anh. Tôi tiễn anh về khi cả hai không tìm ra được mẫu số chung.

Năm 2014, tôi về làm khách nhà anh, anh vui sướng rạng rỡ. Chúng tôi có những ngày vui giản dị, bình thường cho đến khi anh có cảm hứng vẽ. Anh thức trắng liên tiếp nhiều đêm để vẽ, anh hút thuốc liên tục khi vẽ. Khoảng 7-10 ngày, anh có những buổi tụ tập với bạn bè và trở về nhà lúc đã say khuớt, nồng nặc mùi ruợu. Anh say thì chỉ lăn ra ngủ hiền hoà.

Tôi nghĩ mình không còn trẻ để mà sống chỉ với tình yêu. Tôi vốn là người tỉ mỉ, chỉn chu, sạch sẽ ngăn nắp. Tôi chơi nhiều môn thể thao khác nhau. Tôi ăn uống chừng mực, không bia rượu thuốc lá. Tôi xót xa thấy anh xài sức khoẻ một cách phí phạm. Bình thường khi ở bên tôi, anh không hút thuốc vì biết tôi bị dị ứng nặng. Nhưng lúc vẽ, anh có thể hút đến 2 bao một đêm. Với tuổi hơn 40 mà anh thức liên tục nhiều đêm như thế, tôi lo ngại cho tim, cho phổi của anh. Có những đêm anh vẽ xong, vùi đầu vào tôi ngủ khò trong khi tôi nhảy mũi liên tục vì những mùi thuốc lá, mùi sơn, mùi mồ hôi của anh. Tôi biết anh mệt, anh cần một giấc ngủ đầy nên không thể bắt anh tắm rửa truớc khi vào giường ngủ.

Tôi muốn tôn trọng thói quen của anh nhưng tôi không biết mình làm sao chịu đựng được nếu sống chung lâu dài với anh. Anh chưa hề tập qua một môn thể dục nào, anh gặp gì ăn đó. Anh sống cuộc sống của một họa sĩ, không giờ giấc, không nguyên tắc. Tôi sẽ không có ý kiến gì vì đó là cuộc sống khi anh sống độc thân một mình, nếu sống chung thì ít nhiều phải có sự thay đổi để thích nghi với nhau. Anh luôn nói anh mong tôi trở về sống với anh, anh khuyên tôi mang con trai về đây cho cháu biết nguồn gốc và giữ gìn tiếng Việt. Anh nói cho con trai đi hoc trường quốc tế, anh chăm lo nuôi nấng hai mẹ con dư sức.

Với tôi, tiền bạc không phải là vấn đề. Tôi ở Mỹ, cũng có nhà cửa xe cộ đầy đủ. Tôi là dược sĩ, hiện là quản lý của một hiệu thuốc. Lương của tôi cũng dư sức nuôi anh nếu anh qua Mỹ sống. Tôi tìm hiểu công việc tại Việt Nam, nhưng dược sĩ như tôi không thể tìm được việc ở đây.

Anh thì như cái cây thiếu nuớc nếu sống ở Mỹ. Còn tôi về Việt Nam cũng không thể vui vẻ trọn vẹn vì còn công việc, con trai và ba mẹ bên Mỹ. Tôi không thể xa con trai quá lâu để mà sống hạnh phúc cho riêng mình dù cháu rất thông cảm và luôn động viên tôi hãy sống hạnh phúc. Cháu và ba cháu đều nói nếu tôi về Việt Nam, cháu sẽ sống với ba, nhưng tôi làm sao xa con trai đuợc. Cháu sắp vào lứa tuổi teen, sẽ có nhiều thay đổi hay nổi loạn chưa biết truớc. Tôi luôn mong muốn ở bên con để huớng dẫn, chia sẻ mọi điều với con.

Tôi có tham lam quá không khi mơ ước một cuộc sống chan hoà với hai người đàn ông quan trọng của mình. Tuần sau, tôi sẽ về ăn Tết với anh, tôi biết anh mong chờ sự sum họp lâu dài… nhưng tôi vẫn bối rối chưa tìm ra giải pháp thoả đáng cho tình trạng của chúng tôi. Có ai đang ở trong hoàn cảnh giống như tôi hay không? Có giải pháp nào để câu chuyện này có kết thúc mãn nguyện? Xin cảm ơn đã đọc tâm sự lan man của tôi và xin chúc mọi người một mùa xuân vui tươi hạnh phúc.


Leave a comment